Wednesday, February 21, 2024

Tôi là Người VIỆT NAM ,Tôi yêu tiếng Nước tôi !

 

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

 
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên...

   Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Ðất nước tôi ! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Ðất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Ðất nước tôi ! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi

   Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu thế giới mịt mùng (*)
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (à hàng) mến nhau
 Lyrics from: http://www.lyricenter.com ]
Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi 
Tấm áo nâu ! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi

   Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đoá hoạ..
 
(Pham Duy)

 ****

                           TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI

Mấy hôm nay, mạng Internet lại dậy sóng bởi sự "cải cách" về cách ráp vần Tiếng Việt của một ông mang danh tánh Giáo Sư Hồ Ngọc Đại ở Việt Nam.


Tôi có xem qua cái video clip một cô giáo trẻ dạy học trò ráp vần theo cái lối "cải cách" này, cũng có xem qua cái clip ông Đại diễn giải cho lý lẽ của ông ấy. ... lòng tôi bỗng thấy xót xa!

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui .
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi! 
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. 
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy vô cùng thấm thía và yêu mến cố nhạc sĩ Phạm Duy vì những tâm tình và "viễn kiến" của ông về sự "nổi trôi" của Tiếng Việt hôm nay!

Thế là một làn sóng nhỏ xôn xao trong tôi đưa tôi trở về với ký ức "vỡ lòng" Tiếng Việt của chính mình. Tôi nhớ lúc ấy tôi chưa đầy 6 tuổi và gia đình tôi đang sống ở Pleiku, một thị xã hẻo lánh xa xôi, nơi bố tôi, một quân nhân, đang trấn thủ lưu đồn.

Bố tôi không hề có sách giáo khoa, cũng không có bảng đen phấn trắng. Ông chỉ dùng giấy tập học trò và nắn nót viết xuống, dạy cho tôi bảng chữ cái Việt và cách phát âm, ráp vần y như cái cách mà ông đã học được ngày xưa, đơn giản thế thôi!

Cái cách bố tôi học ngày xưa không có "A"-"Bờ"-"Cờ"-"Dờ"-"Đờ"...gì ráo trọi!

Ông chỉ bắt đầu bằng một câu hết sức...dễ nhớ: "ABC...dắt dê đi...ỉa!"
(He he...mà đúng là như vậy! Tôi đã "nhập tâm" cho đến ngày hôm nay!)

Đó là một chương trình được biên soạn lấy gốc từ ngôn ngữ tiếng Latin và Bồ Đào Nha. Thực ra đây là chữ của các giáo sĩ Cơ đốc đặt ra để phiên âm tiếng Việt, để học tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo cho người bản xứ mà người có công và được biết đến chính là ngài Alexandre De Rhodes.

Ông đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, gần như đồng thời với Gaspar d’Amaral. Ông truyền giáo ở miền Bắc. Sau do Chúa Trịnh trục xuất, ông rời Bắc vào Nam. Truyền giáo được 5 năm (1640 – 1645). Rồi Chúa Nguyễn Phúc Loan cũng cấm đạo, ông đành trở về Châu Âu để lại Từ điển Việt – Bồ - La, ngữ pháp Tiếng Việt và nền tảng của chữ Quốc Ngữ (dựa theo wikipedia)

Ngày xưa nghe nói chữ nho, chữ nôm là một bộ chữ "tượng hình" rất khó học. Nhờ có bộ chữ Quốc Ngữ mà ngày nay chúng ta dễ học các thứ ngoại ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha...vv...so với những người bạn láng giềng trong khối Oriental như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..., cho nên mỗi khi nhắc đến chữ Quốc Ngữ, tôi lại thầm nguyện “Amen" để cảm tạ.

Tôi còn nhớ có một bài vè nghe rất vui tai như thế này:

Sách Quốc Ngữ
Chữ nước ta,
Con cái nhà,
Đều phải học.
Miệng thì đọc,
Tai thì nghe,
Đừng ngủ nhè,
Chớ láu táu,
Em lên sáu,
Đang vỡ lòng,
Học cho thông,
Thầy khỏi mắng.

Vâng! Chỉ có thế! 
Công cuộc "vỡ lòng" của tôi chỉ có bố tôi với giấy bút và tình thương yêu! Thế mà tôi đã học rất nhanh và mang theo hành trang này cho đến ngày hôm nay.

Tôi nhớ khi dùng phụ âm "k" (phát âm "ka") để ráp với các phần nguyên âm khác, trong óc tôi hình thành một sợi dây liên đới để viết chữ "k" mà không lẫn lộn với các phụ âm "cờ" khác như "c" hay "qu" và ngược lại - một điểm "mấu chốt" để có thể "viết đúng chính tả". Đây là một trong những điểm "tiêu biểu" trong chương trình cải cách của Giáo Sư Hồ Ngọc Đại nên tôi muốn đưa ra để dẫn chứng! Cải cách thế nào mà một đống "cờ" (k, c, qu) không "phất" được mà cả một thế hệ đều "quờ...quạng" thì không khéo "lợi bất cập hại!" (he he ... cho tôi xin phép được xổ tí...Nho!)

Như vậy đấy, ông Đại ơi, thế hệ ông bà, cha mẹ chúng tôi đã từng "dạy dỗ" nhau như vậy men theo "đường mòn đời trước dạy đời sau" mà ngày nay phát tán ra khắp năm châu bốn bể một cách hết sức tốt đẹp! Bản thân tôi đã sống ở hải ngoại hơn nửa phần đời của mình rồi, vẫn nhớ nằm lòng những điều đã được "vỡ lòng" từ thân phụ và không khỏi ngầm hãnh diện là mình đã gìn giữ và tôn vinh Tiếng Việt trong sáng và đẹp đẽ hơn mỗi ngày trong những giao tiếp của mình.

Thế hệ ông bà, cha mẹ, và chính chúng tôi đã từng được dạy dỗ như vậy, thì hà cớ gì ngày nay lại cần phải "cải cách" để cho "dễ" hơn cơ chứ! Chẳng phải thế hệ sau lại càng phải giỏi hơn thế hệ trước hay sao? Vì như vậy mới đúng với câu "Con hơn cha - Nhà có phúc" mà người Việt chúng ta hằng mong muốn. Vậy thì xin ông và những đồng đội đã từng vượt "đường mòn Trường Sơn" đừng đưa thế hệ trẻ hôm nay đi ngược lại chiều tiến hóa của nhân loại nhé!

Sáng nay, một người bạn của tôi đã vô cùng bực bội vì điều này và đã dùng hình ảnh ví von "Khỉ Trường Sơn" làm cho cho ngòi bút tôi không thể nào yên...phải viết lên một điều gì đó! 

Khỉ Trường Sơn vượt đường mòn
Vào thành phố ngỡ vẫn còn ...rừng sâu
Âm-Vần nhào nháo trước sau
Quên công dựng chữ từ bao lâu đời
Cứ yêu lấy "Tiếng Nước Tôi"*
Mặc "ngôn ngữ...khỉ" ời ời gọi nhau!

Và cũng xin ông đừng loại "Phụ Huynh" ra khỏi cái công cuộc dạy dỗ con em chúng tôi "Kệ cho con học ở trường như thế nào!" nhé, vì thật sự chúng tôi đã học Tiếng Việt là học từ khi...mới ra đời!

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời. 
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.

Nguyễn Diễm Nga - 9/4/2018

(hoiquanphidung) 



No comments:

Post a Comment