Monday, April 4, 2016

Chửi cha không bằng pha tiếng


   Ðây không phải là trường hợp như ông Hồ Chí Minh đọc lời chúc Tết cho dân chúng miền Bắc thời trước. Giọng của ông, dù qua radio, vẫn nghe rõ sự pha tạp giữa Bắc và Trung. Thực tình thì ông không dám chửi cha ai mà chỉ cố che đi cái giọng miền quê Nghệ An của ông bằng cách cố nói theo giọng Hà Nội. Không riêng gì ông, nhiều người Trung cũng cố giả giọng khi đi xa quê. Những người ấy mang cái mặc cảm là giọng quê mình… quê quá; nói ra không (mấy) ai hiểu và ai cũng cười. Tức nhất là khi bị người ta nhại giọng của mình để chế nhạo. Còn hơn bị chửi cha!
   Nạn nhân bị nhại giọng thường là người miền Trung. Người miền Bắc, ngoại trừ dân Hà Nội chính gốc (trước năm 1954), cũng bị nhại nhưng ít hơn. Còn người miền Nam, nhất là Sài Gòn, được cái “hơn” là giọng hay… trời cho! Trời cho ở chỗ họ phát âm cũng lắm cái sai nhưng lại sai… có duyên. Giọng Hà Nội (gốc) rất chuẩn, nhưng có lẽ chính vì chuẩn quá nên mất bớt “duyên” dù nghe vẫn hay. Âm sai mà nhiều người Việt nhớ nhất ở giọng Bắc là lẫn lộn giữa L và N. Ngoài cái đó ra, những chỗ sai khác không đáng… cười! Ngược lại, người miền Trung phát âm sai nhiều hơn mà cũng… quê hơn. Miền Trung, từ Nghệ An vào tới Khánh Hòa, có rất nhiều giọng khác biệt nhau. Phải nói rõ là “khác biệt”, chứ không phải “khang khác” như kiểu các vùng ở Bắc bộ hoặc Nam bộ. Sự khác biệt này không chỉ giữa tỉnh này với tỉnh kia mà thậm chí cách nhau một con sông cũng đủ khác. Chẳng hạn, ở Ðà Nẵng (trước đây), dân ở bên kia sông Hàn (phía bán đảo Sơn Trà) nói giọng nặng hơn rất nhiều so với người dân ở bên này sông. Nếu phân biệt tổng quát hơn, miền Trung có gần 10 giọng: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… Nếu khái quát hơn nữa thì có chừng 2 giọng, ngăn cách bởi đèo Hải Vân, nằm giữa hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Các giọng miền Trung phía Nam đèo Hải Vân có âm sắc hơi… bà con với giọng miền Nam.
Nếu như người miền Nam có giọng trời cho thì người miền Trung nói có… trời hiểu! Có một điều mà nhiều người miền Trung phía Bắc đèo Hải Vân, hay giả giọng Nam, không… hiểu là tiếng nói của họ khó nghe (khó hiểu) không phải vì… giọng nói mà vì từ ngữ họ dùng. Cho dù họ có thể giả giọng Nam đúng 100 phần trăm nhưng cách dùng từ ngữ của họ không như tiếng Nam thì người Nam cũng khó hiểu. 

    Chẳng hạn, một người ở Quảng Trị vào Sài Gòn chơi, ra chợ thấy xoài ngon quá, gọi cô bán hàng (hỏi): “Nì nì chị nớ, bán xoài chục mấy rứa?” Cho dù người này có thể bắt chước y chang giọng “Xì Goòng” thì cô bán hàng, dẫu có… bà nội của mình giúp, cũng chịu không hiểu nổi. Ngược lại, nếu người đó cứ giữ nguyên giọng Quảng Trị mà hỏi “Nè, xài nhiêu chị Hai?” thì cô bán hàng còn dễ hiểu hơn. Người Nam phát âm XOÀI thành “xài” và chỉ hỏi gọn là “nhiêu” chứ không đầy đủ là “bao nhiêu” như người Hà Nội. Cách nói mỗi miền ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa, tính cách người dân từng địa phương. Người Quảng Trị khi buôn bán thường dùng đơn vị “chục” (mười)  cho dễ tính. Người Sài Gòn, mặc dù trái cây đầy tràn, nhưng vẫn tính giá từng trái. Tuy nhiên, người Quảng Trị hỏi thì hỏi vậy, chứ chưa chắc sẽ mua nguyên cả chục trái! Nói chung, muốn bắt chước tiếng nói của một địa phương nào, không chỉ tập giọng nói mà còn phải học từ vựng và cách nói của địa phương ấy. Nó giống như học nói một ngoại ngữ vậy.
 
   Có thể vì tiếng nói giữa các vùng ở miền Bắc hoặc miền Nam không khác nhau quá nhiều như ở miền Trung nên rất nhiều người Bắc và người Nam cứ lầm tưởng người Trung nào cũng nói giống nhau. Chẳng hạn, họ không phân biệt được giọng Ðà Nẵng với giọng… Quảng Nam, hoặc giọng Huế với giọng (ngoài) Nghệ An… Ðiển hình là nhiều người (Bắc và Nam) khi nhái giọng Huế cứ hay thêm dấu nặng vào những từ mang dấu sắc hoặc không dấu. Họ hay nói đùa “cặc tọc” thay vì “cắc tóc” khi muốn nhái giọng Huế về từ CẮT TÓC. Người Huế phát âm dấu sắc rất rõ. Người Quảng Trị phát âm dấu sắc có khi nghe như dấu huyền. Phải ra đến ngoài Nghệ An hoặc Hà Tĩnh thì dấu sắc mới bị biến thành dấu nặng.
Trở lại… Đà Nẵng, người dân ở đây không phát âm kiểu “eng không eng téc đèn đi ngủ” như dân Quảng Nam, mặc dù Đà Nẵng là thành phố nằm trong tỉnh Quảng Nam. Cũng như người Huế nói tiếng Huế chứ không phải nói tiếng Thừa Thiên. Chính vì không hiểu cặn kẽ sự khác biệt tiếng nói mỗi địa phương nên người pha tiếng người khác thường biến tiếng nói của người bị chế nhạo nghe càng khôi hài, kỳ cục hơn. Chính vì vậy mới gọi là “pha” chứ không phải “giả” hoặc “nhái”. Nạn nhân lại không thể giải thích được nên lại càng tức; thà nó chửi cha mình còn hơn!
 
      Có lẽ trong các miền, giọng miền Nam dễ nhái nhất. Thứ đến là giọng Bắc. Đấy là chỉ nói riêng về giọng thôi, chứ tiếng Nam hay tiếng miền nào cũng đều khó nhái cả. Lý do như đã nói ở trên; phải rành từ vựng và lối nói của từng địa phương mới bắt chước được. Riêng miền Trung, giọng vùng nào cũng đều khó nhái cả. Khó nhất có lẽ là giọng Phú Yên; cho dù nói lơ lớ thôi cũng khó! Khách quan mà nói, người miền Trung khi xa quê thường đổi giọng để dễ giao tiếp là hợp lý. Ngoại trừ người Huế và người Đà Nẵng không phải đổi giọng mà chỉ cần tránh dùng từ ngữ địa phương. Chẳng hạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn giữ giọng Huế của ông dù đi đâu. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (người Quảng Trị) khi lên Paris By Night thì giả giọng Bắc. Có một điều đặc biệt, ít ai để ý, là những người Huế thế hệ trẻ sau này cũng đổi giọng khi đi xa. Trong khi đó, những người (gốc) Huế sinh trưởng ở Đà Nẵng vẫn giữ giọng Huế dù ra sống ở nước ngoài. Lý do là ở Đà Nẵng, người Huế và người Đà Nẵng không bao giờ hiểu lầm hoặc không hiểu nhau vì tiếng nói. Bởi vậy khi ra nước ngoài, người “Đà Nẵng gốc Huế” không mang mặc cảm ấy nên vẫn giữ giọng Huế chứ không đổi như nhiều người “Huế gốc Huế” trẻ tuổi. Điều đáng chê là khi gặp đồng hương, họ vẫn đóng vai “dân Nam bộ” qua giọng nói của mình, chứ không phải tiếng nói!
   
   Có lẽ giọng địa phương là một trong những nét độc đáo của tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Dù hay hoặc dở, chúng nên được giữ gìn như một tài sản quốc  gia. Điều đáng buồn nhất là bây giờ ở Hà Nội không còn mấy ai nói giọng Hà Nội. Nó đã bị pha tạp từ năm 1954 đến nay do người ta bỏ đi và… dân tứ xứ đến ở. Trong đó có… Hồ Chí Minh!

Hồng Nguyên Hoàng (baotreonline)

chuoicha
BẢO HUÂN

No comments:

Post a Comment